Viêm họng là gì? Nguyên nhân nào gây viêm họng?
Viêm họng là tình trạng viêm xảy ra ở niêm mạc hầu họng dưới tác động của các tác nhân gây viêm. Viêm họng có thể viêm cấp tính hoặc mạn tính, các trường hợp viêm họng cấp tính có thể khỏi sau 5-7 ngày, trong khi viêm họng mạn diễn ra dai dẳng, thường gây tái phát liên tục các đợt cấp.
Viêm họng cấp thường do nhiễm virus, chiếm khoảng 80% các trường hợp. Ngoài ra, viêm họng cấp có thể gây ra bởi vi khuẩn, vi nấm, các tác nhân vật lý, hóa học trong môi trường. Các chủng vi khuẩn thường gặp là các chủng bình thường sống cộng sinh tại đây như liên cầu, tụ cầu, phế cầu, … khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát gây bệnh. Viêm họng do vi khuẩn có thể xảy ra sau khi bị viêm họng do virus.
Viêm họng mạn là tình trạng viêm liên tục niêm mạc họng, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như viêm xoang, trào ngược dạ dày-thực quản, ngạt tắc mũi… khiến dịch viêm chảy xuống họng hoặc các tác nhân trong môi trường tác động làm niêm mạc họng bị viêm liên tục.
Các dấu hiệu của viêm họng
Viêm họng cấp:
Triệu chứng toàn thân: sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, nhức đầu, đau mình mẩy.
Triệu chứng tại chỗ: khô, rát, đau họng, có thể bị khàn tiếng. Soi thấy niêm mạc họng đỏ rực, khô, mạch máu nổi rõ.
Nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, khi soi họng có thể thấy có bựa trắng. Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị theo chỉ định.
Các dấu hiệu của viêm họng 1
Họng đau rát, khó chịu, khô
Viêm họng mạn
Viêm họng mạn có 3 thể với các triệu chứng khác nhau, diễn ra lần lượt nếu không được điều trị đúng cách.
Viêm họng xuất tiết: cổ họng tiết nhiều đờm nhầy, đặc khiến bệnh nhân luôn có cảm giác khó chịu và thường xuyên phải khạc đờm. Các nang lympho ở họng phát triển mạnh.
Viêm họng quá phát (hay còn gọi là viêm họng hạt): các nang lympho lúc này đã bị quá sản, tạo thành các hạt ở thành sau họng. Niêm mạc họng dày lên, eo họng hẹp lại, dễ bị kích thích. Bệnh nhân rất dễ bị buồn nôn và nôn.
Viêm họng teo: quá trình viêm xảy ra dai dẳng ở họng khiến mô lympho và tuyến tiết nhầy bị xơ hóa và teo dần, niêm mạc họng mỏng đi, eo họng rộng ra. Lúc này, do hoạt động của tuyến tiết nhẩy giảm, bệnh nhân thường xuyên bị khô họng và ho nhiều.
Các dấu hiệu của viêm họng 2
Cổ họng khó chịu, bệnh nhân hay bị ho do kích ứng và phải khạc đờm
Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân viêm họng mạn thường bị tái phát liên tục các đợt viêm họng cấp do sức đề kháng của họng bị giảm sút, cơ chế bảo vệ không được đảm bảo.
Điều trị viêm họng
Viêm họng cấp
Khoảng 80% các trường hợp viêm họng cấp gây ra bởi virus, do đó không cần sử dụng kháng sinh (kháng sinh không có tác dụng đối với tác nhân gây bệnh là virus, chỉ sử dụng khi tác nhân là vi khuẩn). Các biện pháp điều trị chủ yếu là xử lý triệu chứng và nâng đỡ cơ thể:
Điều trị triệu chứng:
Hạ sốt: dùng thuốc hạ sốt nếu sốt cao, trên 38,5º C. Thuốc hạ sốt thường dùng là paracetamol, chú ý giữa 2 lần dùng thuốc cần cách nhau ít nhất 4h, ngày không dùng quá 4 lần. Sốt khiến cơ thể mất nước nhiều, bệnh nhân cần chú ý bổ sung đủ nước để cân bằng với lượng nước bị mất.
Giảm ho, long đờm: có thể sử dụng các thuốc tây y theo chỉ định, hoặc dùng các chế phẩm có nguồn gốc Đông dược, siro ho thảo dược có thể cho tác dụng rất tốt, lại ít tác dụng không mong muốn.
Súc miệng với nước muối sinh lý để giảm hiện tượng khó chịu, khô rát họng. Dùng thuốc chống viêm để giảm hiện tượng sưng đau họng.
Nâng đỡ cơ thể:
Giữ ấm, nghỉ ngơi để cơ thể tự hồi phục. Thông thường, bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày.
Bổ sung vitamin, khoáng chất qua thực phẩm để tăng sức đề kháng, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
Viêm họng mạn:
Điều trị nguyên nhân: nếu xác định được nguyên nhân gây bệnh và điều trị loại bỏ, bệnh có thể khỏi được.
Điều trị triệu chứng: chống viêm, long đờm, giảm ho.
Dự phòng: nâng cao sức đề kháng, tránh tiếp xúc với các yếu tố kích ứng, môi trường ô nhiễm để hạn chế mắc các đợt viêm họng cấp.
Trong một số trường hợp, nếu viêm họng không được nhận biết và xử lý đúng cách, bệnh có thể để lại những biến chứng nguy hiểm. Để giảm nguy cơ mắc các đợt viêm họng, người bệnh nên xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá và các chất độc hại trong môi trường.